Thị trường hàng hóa toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái định hình mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025. Những diễn biến chính trị, dòng tiền đầu tư, và nhu cầu công nghiệp đang tạo ra những thay đổi chưa từng có ở các mặt hàng chiến lược như đồng, vàng, uranium và nhóm kim loại quý màu bạc (platinum, palladium, bạc).

Đồng: Giá cao kỷ lục tại Mỹ – bong bóng hay định giá mới?

Trong số các kim loại công nghiệp, đồng là mặt hàng đang hứng chịu sự giằng kéo rõ rệt giữa lực đẩy chính trị và thực tế cung – cầu toàn cầu. Việc Mỹ chính thức áp dụng thuế nhập khẩu 50% đối với đồng từ ngày 1/8 đã làm giá đồng trên sàn COMEX vọt lên mức cao kỷ lục, tạo ra khoảng chênh lệch lên tới 1.000–3.000 USD mỗi tấn giữa giá nội địa Mỹ và giá tại London.

Các kho hàng tại New Orleans – cửa ngõ nhập khẩu chính của đồng vào Mỹ – đã nhanh chóng bị lấp đầy khi các thương nhân tranh thủ gom hàng trước thời điểm thuế có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế thị trường lại cho thấy sự phức tạp hơn thế.

Giá đồng tại London – vốn phản ánh cung cầu toàn cầu – vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy đợt tăng giá tại Mỹ không xuất phát từ yếu tố cơ bản, mà là kết quả của sự bóp méo thị trường do chính sách thuế quan.


Thuế quan khiến chênh lệch giá đồng giữ New York và London tăng mạnh

Câu hỏi đặt ra là: liệu mức thuế 50% này có thực sự bền vững?

Cần nhớ rằng Mỹ hiện nhập khẩu hơn 50% lượng đồng tiêu thụ hằng năm, và dù có cố gắng nới lỏng thủ tục khai thác trong nước, thì việc tự chủ nguồn cung trong ngắn hạn gần như là bất khả thi. Việc đánh thuế quá cao vào đồng – một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, xây dựng, năng lượng và công nghệ – sẽ tạo áp lực lớn lên toàn bộ chuỗi sản xuất của nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi sát sao các dấu hiệu về “chuỗi cung ứng song song”, nơi đồng từ các nước như Chile và Congo được định tuyến lại thông qua các quốc gia thứ ba để lách thuế. Điều này không chỉ phản ánh sự năng động của thương mại quốc tế mà còn mở ra khả năng hình thành một cơ chế định giá kép cho đồng – một dành cho thị trường Mỹ, một dành cho phần còn lại của thế giới.

Về dài hạn, đồng có vai trò không thể thay thế trong sản xuất xe điện, lưới điện thông minh và cơ sở hạ tầng AI. Nhưng trong ngắn hạn, sự mâu thuẫn giữa chính sách bảo hộ thương mại và nhu cầu công nghiệp thực tế đang tạo ra một thị trường không ổn định, tiềm ẩn rủi ro cao.

Chiến lược phù hợp lúc này không phải là đuổi theo mức giá đỉnh tại Mỹ, mà là chờ những nhịp điều chỉnh kỹ thuật để mua vào trung dài hạn.

Vàng: Cuộc cách mạng âm thầm từ các ngân hàng trung ương

Sau khi vượt mức 3.300 USD/ounce, giá vàng hiện nay đã không còn rẻ nữa, nhưng lực cầu đang được duy trì nhờ một nhân tố cực kỳ quan trọng đó là các ngân hàng trung ương.

Không còn thông qua các trung tâm giao dịch như London hay New York, ngày càng nhiều quốc gia – đặc biệt tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin – đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ khai thác bằng đồng nội tệ và bỏ qua hệ thống tài chính dựa trên USD. Điều này không chỉ giúp họ xây dựng dự trữ, mà còn giảm đáng kể rủi ro bị Mỹ phong tỏa tài chính, như trường hợp của Nga trong năm 2022.

Theo một báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng thực tế được các ngân hàng trung ương mua ước tính cao gấp đôi số công bố chính thức. Đây là chỉ dấu rõ ràng về việc một lượng lớn vàng đang được hút ra khỏi thị trường thông qua các giao dịch ngầm – góp phần làm cạn kiệt nguồn cung vật lý tại các trung tâm giao dịch lớn, đồng thời tạo ra một “mức giá sàn” cho vàng toàn cầu.  


Các ngân hàng trung ương liên tục tích trữ vàng

Động cơ của các ngân hàng trung ương không đơn thuần là đầu cơ hay phòng thủ ngắn hạn. Việc Mỹ “vũ khí hóa đồng đô la” trong các đòn trừng phạt gần đây đã khiến nhiều quốc gia nhận ra rủi ro hệ thống khi dự trữ tài sản bằng USD hoặc gửi tại các ngân hàng phương Tây. Giải pháp cho vấn đề này là chuyển sang dự trữ bằng vàng vật chất.

Đây là một bước ngoặt mang tính cấu trúc cho thị trường vàng toàn cầu. Bởi trước đây, lực cầu chủ yếu đến từ giới đầu tư cá nhân, quỹ ETF, hoặc mua trang sức. Giờ đây, khi các chính phủ và ngân hàng trung ương nhập cuộc với quy mô lớn và chiến lược lâu dài, thị trường vàng đã có một "người chơi mới" mạnh hơn và có khả năng định hình mặt bằng giá trong nhiều năm.

Điều này đồng nghĩa với việc dù vàng không còn rẻ, nhưng rủi ro giảm sâu là rất thấp. Với nhà đầu tư cá nhân, đây không phải thời điểm để đuổi giá, nhưng cũng không nên đứng ngoài hoàn toàn, bởi mỗi nhịp điều chỉnh về vùng 3.200–3.300 USD có thể là cơ hội để tích lũy dần.

Platinum, Palladium, Bạc: Những kim loại quý bị lãng quên nay đang trở lại

Từ đầu năm 2025 đến nay, nhóm kim loại quý màu bạc – cụ thể là bạch kim, palladium và bạc – đã có một màn bứt phá ngoạn mục, vượt qua cả vàng về hiệu suất. Tính đến tháng 7, platinum đã tăng 54%, vượt xa mức tăng của vàng (28%), bạc (35%) và thậm chí cả Bitcoin (30%).

Điều đáng chú ý là sự tăng giá không đến từ yếu tố tiền tệ hay đầu cơ thông thường. Nếu đây là hệ quả của phong trào phi đô la hóa hay các yếu tố vĩ mô như lạm phát, thì vàng mới phải là kim loại tăng mạnh nhất. Nhưng thực tế lại cho thấy vàng tăng chậm hơn, trong khi nhóm kim loại quý có ứng dụng công nghiệp cao lại tăng mạnh và đồng loạt. Điều này cho thấy rằng nhu cầu thực tế từ công nghiệp đang là động lực chính.

Bạch kim và palladium vốn là thành phần thiết yếu trong bộ lọc khí thải cho xe ô tô chạy xăng và diesel. Trong bối cảnh ngành ô tô vẫn đang phục hồi và tiêu chuẩn khí thải tại nhiều nước trở nên khắt khe hơn, nhu cầu với hai kim loại này tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại nước châu Á.

Bên cạnh đó, có đồn đoán rằng Nga đã bán phần lớn kho dự trữ PGM để tài trợ chiến tranh. Nếu đúng, điều này có thể dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp trong thời gian tới, đẩy giá tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận chính thức, nên yếu tố này cần được theo dõi thêm.

Trong khi đó, bạc đang hưởng lợi lớn từ cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Trung Quốc – quốc gia dẫn đầu về sản xuất và lắp đặt điện mặt trời – đã ghi nhận số lượng tấm pin được lắp mới gấp đôi chỉ trong tháng qua, so với tháng kỷ lục liền trước. Bạc là vật liệu dẫn điện chính trong tấm pin mặt trời, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong chi phí nguyên liệu. Nếu xu hướng này tiếp tục, cầu bạc công nghiệp sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng dài hạn và ổn định – vượt xa những kỳ vọng trước đây vốn chỉ tập trung vào bạc như một “kim loại quý đầu cơ”.


Lượng lắp đặt pin mặt trời tại Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong tháng 5, trước khi giảm vào tháng 6

Một điểm rất đáng lưu ý là cả nhóm kim loại này đều tăng cùng thời điểm. Điều này khiến giới phân tích đặt nghi vấn về khả năng xảy ra một thiếu hụt cung đồng loạt, hoặc một thay đổi cấu trúc trong chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu.

Dù hiện tại vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải – như: "Liệu nhu cầu này có bền vững?", "Liệu nguồn cung có thể điều chỉnh kịp?" – nhưng rõ ràng, nhóm kim loại quý công nghiệp không còn bị bỏ quên như vài năm trước. Sự phục hồi đồng bộ và mạnh mẽ này chính là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang tìm kiếm một “ngôi sao mới” trong danh mục hàng hóa của mình.