Lịch sự kiện kinh tế - hàng hóa 21/7 - 25/7/2025

Cập nhật dữ liệu PMI sơ bộ tháng 7: Tín hiệu từ các nền kinh tế lớn

  • Ngày 24/7, loạt dữ liệu PMI sơ bộ tháng 7 từ các nền kinh tế phát triển sẽ được công bố.

  • Tháng trước, tăng trưởng toàn cầu đã tăng tốc do các doanh nghiệp tăng hàng tồn kho để đón đầu mốc áp thuế đầu tháng 7. Tuy nhiên, việc hoãn áp thuế sang ngày 1/8 và nâng mức thuế cao hơn dự kiến tại một số quốc gia khiến dữ liệu PMI lần này trở thành chỉ báo cực kỳ quan trọng để đánh giá sự thay đổi trong nhu cầu, sản lượng và giá cả toàn cầu.

  • Đặc biệt, thị trường sẽ chú ý đến chỉ số kỳ vọng sản lượng tương lai, nhằm nắm bắt niềm tin kinh doanh trong môi trường chính sách bất ổn.

Tác động đến thị trường hàng hóa:

  • Nếu PMI tiếp tục phục hồi, cho thấy nhu cầu sản xuất tăng mạnh, sẽ là tín hiệu tích cực cho năng lượng, kim loại công nghiệp, nông sản. 

  • Ngược lại, PMI yếu hơn dự báo sẽ làm dấy lên lo ngại về sức cầu toàn cầu, từ đó gây áp lực giảm giá hàng hóa.

Khu vực Châu Mỹ: Fed phát biểu – Đơn hàng hàng hóa lâu bền

  • Các phát biểu từ các quan chức Fed sẽ được theo dõi sát sao, khi thị trường vẫn thiếu rõ ràng về hướng đi chính sách lãi suất.

  • Đơn hàng hàng hóa lâu bền – chỉ báo quan trọng cho đầu tư tư nhân và sản xuất công nghiệp – cũng sẽ được công bố, giúp đánh giá sức bật tăng trưởng tại Mỹ.

Tác động đến thị trường hàng hóa:

  • Nếu Fed duy trì lập trường “diều hâu” trong phát biểu, đồng USD mạnh lên có thể gây sức ép giảm giá hàng hóa. Ngược lại, tín hiệu “bồ câu” sẽ hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, đơn hàng tích cực cho thấy triển vọng nhu cầu công nghiệp, đặc biệt là kim loại và năng lượng, sẽ được củng cố.

Khu vực châu Âu: Họp chính sách ECB – PMI sơ bộ

  • ECB họp chính sách tiền tệ, nhiều khả năng giữ nguyên lãi suất, với dự kiến chỉ còn một lần hạ lãi suất nữa trong năm 2025, có thể vào tháng 9.

  • PMI sơ bộ Eurozone dự báo tiếp tục cho thấy lạm phát hạ nhiệt nhưng tăng trưởng vẫn khiêm tốn.

Tác động đến thị trường hàng hóa:

  • Nếu ECB cho tín hiệu duy trì lãi suất cao hoặc kinh tế khu vực suy yếu, nhu cầu nhập khẩu năng lượng, nông sản từ khu vực này có thể giảm. 

  • Tuy nhiên, nếu PMI bất ngờ tích cực, kỳ vọng hồi phục sản xuất – tiêu dùng tại châu Âu sẽ hỗ trợ giá hàng hóa.