Giá vàng đang tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ, vượt ngưỡng 3.440 USD/oz trong phiên giao dịch ngày 22/7, tiến sát mục tiêu 3.500 USD. Đà tăng này không đơn thuần đến từ yếu tố kỹ thuật, mà là sự phản ánh rõ ràng của tâm lý thị trường trước hàng loạt rủi ro kinh tế và địa chính trị đang gia tăng trên toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư và thậm chí cả giới chính trị đang ngày càng xem vàng và bạc như nơi trú ẩn an toàn, với nhu cầu vật chất và hợp đồng kỳ hạn đều có dấu hiệu tăng rõ rệt.

Tính đến cuối tuần trước, hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 8 ghi nhận hơn 21 triệu ounce hợp đồng mở. Trong khi đó, COMEX vẫn duy trì lượng tồn kho gần 37 triệu ounce, đủ để đảm bảo thanh khoản mà không gây cú sốc cung – cầu ngắn hạn. Tuy nhiên, chính yếu tố bất ổn vĩ mô mới là động lực đẩy giá lên, không phải thiếu hụt vật chất. Mục tiêu 3.500 USD trong ngắn hạn và thậm chí 3.600 USD vào tháng 8–9 hoàn toàn nằm trong kịch bản chính. Các yếu tố địa chính trị, rủi ro lạm phát và tâm lý phòng thủ sẽ còn duy trì lực cầu đầu tư trong thời gian tới.

Vàng hướng mốc 3500 USD

Vị thế mở đối với vàng trên COMEX và SHFE tăng mạnh, cho thấy dòng tiền quay trở lại thị trường

Ở chiều ngược lại, thị trường bạc tuy có tăng nhẹ lên gần 39,6 USD nhưng vẫn dao động trong biên độ hẹp. Giá bạch kim cũng leo cao, nhưng phần lớn đến từ dòng tiền đầu cơ và nhu cầu tích trữ ngắn hạn. Đáng lưu ý, đà tăng mạnh của bạch kim lại thiếu cơ sở nền tảng bền vững: nhu cầu thực tế tại Trung Quốc (trang sức, công nghiệp) không tăng nhiều như kỳ vọng, trong khi nhập khẩu bạch kim vào nước này đã chững lại từ tháng 6. Áp lực điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra trong vài tháng tới.

Điểm sáng nằm ở xu hướng đầu tư dài hạn. Ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, từ các quỹ gia đình đến tổ chức lớn, đang lựa chọn giữ vững vị thế vàng – bạc và bổ sung các chiến lược hedging thay vì tất toán khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Thay vì bán ra khi vàng đạt 3.400 hay bạc tiệm cận 40 USD, họ chọn cách giữ danh mục lõi và mở thêm vị thế hedge kỳ hạn 12–24 tháng. Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin dài hạn vào giá vàng vẫn còn rất mạnh.

Trong bối cảnh các tổ chức uy tín như IMF, World Bank, OECD… cũng bắt đầu tăng xác suất cho các kịch bản “kinh tế - chính trị tồi tệ hơn”, thị trường đang dần định giá lại rủi ro hệ thống. 

Dù đỉnh giá vàng và bạc có thể nằm trong khoảng 2026–2027, thì hành trình đến đó vẫn còn nhiều biến động. Khi nhà đầu tư đánh giá lại mức độ rủi ro, vàng và bạc sẽ tiếp tục là lớp tài sản không thể thiếu trong danh mục. Và điều quan trọng không nằm ở việc giá hiện tại đã cao bao nhiêu, mà là kỳ vọng về tương lai bất ổn vẫn đang khiến nhu cầu phòng thủ chưa hề giảm nhiệt.