DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
Giá bạc hiện đang đi ngang trong mô hình nêm tăng, báo hiệu khả năng sẽ có biến động mạnh sắp tới khi giá tiến gần điểm hội tụ. Nến doji xuất hiện cùng bóng trên dài cho thấy sự do dự và lực bán tại vùng kháng cự. Dù RSI ở mức 65 vẫn cho phép giá tăng tiếp, nhưng thị trường đang giằng co giữa động lực tăng dài hạn (như nhu cầu năng lượng xanh, vai trò trú ẩn) và áp lực ngắn hạn (USD mạnh, lợi suất thực tăng). Nếu giá phá vỡ khỏi mô hình, đó sẽ là tín hiệu xác lập xu hướng mới rõ ràng. Trên khung thời gian lớn, xu hướng bạc vẫn nghiêng về tăng giá dài hạn.
Biểu đồ cho thấy chu kỳ 5 năm của giá bạc thường kết thúc bằng một vùng đáy lớn, sau đó là pha tăng mạnh khi RSI phá vỡ vùng tích lũy.
•Mỗi lần RSI tuần vượt 75 kết hợp với ADX trên 40, giá bạc thường bước vào giai đoạn tăng mạnh kéo dài.
•Các vùng breakout RSI được đánh dấu màu vàng – trùng khớp với các đợt tăng giá lớn vào các năm 2006, 2010, 2020.
•Theo chu kỳ này, vùng đáy 5 năm gần nhất hình thành vào năm 2020, và hiện tại RSI đã bắt đầu bứt phá trở lại.
Điều này gợi ý một đỉnh chu kỳ tiềm năng vào năm 2026, nếu RSI duy trì trên 75 và ADX vượt 40. Mục tiêu giá có thể vượt ngưỡng 48 USD/oz, tái lập hoặc vượt đỉnh lịch sử.
Bạch kim xuất hiện mô hình nến giảm ngay tại kháng cự của nêm tăng, cho thấy lực mua đang yếu dần. Nếu đầu tuần tới có nhịp bán tiếp diễn, giá có thể phá vỡ mô hình và điều chỉnh sâu hơn. Dù xu hướng lớn vẫn tăng, nhưng cảnh báo điều chỉnh ngắn hạn đang hình thành.
Giá đồng hình thành cờ tăng và đã bứt phá lên, nhưng vẫn chưa vượt qua vùng đỉnh cũ. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng thiếu động lực theo sau, nên thị trường vẫn đang đi ngang. Với vị thế mua mới, nên chờ rõ xu hướng hơn: hoặc vượt đỉnh cũ, hoặc về lại hỗ trợ để có điểm vào tốt hơn.
Chỉ số DXY đang tích lũy trong biên độ hẹp ngay dưới đường trung bình 50 ngày. Phiên thứ Sáu, phe mua đã bảo vệ thành công vùng hỗ trợ ngang, tạo nến có bóng dưới – dấu hiệu có cầu ở vùng thấp.
Giá hiện vẫn nằm dưới MA50, nhưng phe mua đang nỗ lực tạo cú breakout. Cấu trúc đáy tròn đang hình thành, và nếu đà phục hồi tiếp tục, có thể chuyển thành mô hình đáy ngược lớn hơn. Tuy nhiên, để xác nhận xu hướng tăng, giá cần vượt MA50 và phá vỡ đỉnh gần nhất.
KINH TẾ VĨ MÔ
Hoa Kỳ
BoA cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng trở lại do tác động từ thuế quan. Mặc dù chỉ số CPI lõi đã liên tục thấp hơn kỳ vọng trong 5 tháng gần đây, BoA cho rằng lạm phát PCE lõi theo năm có thể chạm mốc 3% ngay trong tháng 7, khiến việc Fed cắt giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.
Đáng chú ý, dữ liệu tháng 6 cho thấy dấu hiệu rõ ràng đầu tiên của việc giá cả hàng hóa tăng do thuế nhập khẩu, với nhóm CPI hàng hóa lõi (loại trừ ô tô) tăng tới 0,55% so với tháng trước. BoA dự báo áp lực lạm phát sẽ còn tăng trong các tháng tới vì hai lý do:
•Nhiều nhà bán lẻ vẫn đang tiêu thụ hàng tồn kho nhập khẩu trước thời điểm áp thuế, nhưng khi hết hàng tồn, họ sẽ bắt buộc phải tăng giá.
•Các thỏa thuận thương mại với Việt Nam, Indonesia và các mức thuế mới có hiệu lực từ 1/8 sẽ khiến mức thuế hiệu dụng tăng thêm, kéo theo lạm phát tăng.
Kết quả khảo sát tháng 7 của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát trong 1 năm tới giảm xuống 4,4% (so với 5% trước đó), trong khi kỳ vọng 5–10 năm giảm còn 3,6% (từ 4%).
Dù xu hướng này là tín hiệu tích cực cho Fed, mức kỳ vọng dài hạn vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn tiền lạm phát, cho thấy niềm tin vào việc kiểm soát lạm phát vẫn còn hạn chế.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng 7 từ Đại học Michigan cho thấy cải thiện nhẹ trên cả ba phương diện:
•Tâm lý chung tăng lên 61.8 (so với ước tính 61.5 và mức 60.7 kỳ trước)
•Đánh giá điều kiện hiện tại tăng lên 66.8 (so với 64.8 kỳ trước)
•Kỳ vọng tương lai tăng lên 58.6 (so với 58.1 kỳ trước)
Dù mức cải thiện là khiêm tốn, dữ liệu cho thấy niềm tin tiêu dùng đang dần hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh hồi đầu năm, hỗ trợ kỳ vọng về sự ổn định trong chi tiêu hộ gia đình – một trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA
Bản cập nhật COT trong tuần kết thúc vào ngày 8/7 cho thấy chỉ số hàng hóa BCOM tăng 1,3%, được hỗ trợ bởi đà tăng của các nhóm năng lượng và kim loại công nghiệp (đặc biệt là đồng). Tuy nhiên, mức tăng này chỉ được bù đắp một phần do sự suy yếu ở các nhóm kim loại quý, NLCN và đáng chú ý nhất là nhóm nông sản.
Trước đợt phục hồi cuối tuần của giá bạc, thị trường hợp đồng tương lai COMEX ghi nhận sự phân bổ vị thế như sau:
•Các nhà đầu cơ bên mua (màu đỏ) vẫn duy trì vị thế mua ròng mạnh, đạt mức cao nhất kể từ đầu 2022 và đang tiến gần đến các đỉnh lịch sử.
•Nhóm nhà sản xuất (xanh lá) giữ vị thế bán ròng lớn như thường lệ, nhưng mức độ không có gì đột biến so với trung bình các năm trước.
•Các ngân hàng và tổ chức tài chính (xanh dương) đang nắm giữ vị thế bán ròng kỷ lục – mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Việc các ngân hàng đẩy mạnh bán khống trong khi phe đầu cơ tiếp tục gom mua cho thấy thị trường bạc đang bước vào giai đoạn “đối đầu căng thẳng về vị thế”. Nếu giá bạc tiếp tục tăng, khả năng xảy ra hiện tượng short squeeze từ phía ngân hàng là hoàn toàn có thể, góp phần đẩy giá lên mạnh hơn trong ngắn hạn
Hợp đồng tương lai bạc giao tháng 10/2025 trên sàn SHFE (Trung Quốc) vừa tăng 1,36%, đóng cửa ở mức 9.273 Nhân dân tệ/kg (~40,17 USD/oz, quy đổi theo giá COMEX). Đáng chú ý, khối lượng vị thế mở đã tăng mạnh 6,6% trong tuần, tương đương +939 tấn, lên mức 1,02 triệu hợp đồng – cao nhất trong vòng 5 tuần qua. Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền đầu cơ đang quay trở lại thị trường bạc Trung Quốc, làm gia tăng khả năng biến động giá mạnh trong thời gian tới.
Lãi suất cho thuê bạch kim kỳ hạn 1 tháng đã tăng vọt lên mức kỷ lục 40,63%, cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật chất nghiêm trọng trên thị trường.
Đây là tín hiệu rõ ràng về áp lực short squeeze hoặc nhu cầu vay bạch kim tăng đột biến, và thường báo trước những đợt tăng giá mạnh.
COMEX vừa ghi nhận lượng lớn đổ vào kho dự trữ bạch kim trong ngày 17/7, tăng mạnh 32,7% (+90.000 oz), nâng tổng tồn kho lên 366.641 oz. Cụ thể:
•Kho dự trữ đủ điều kiện (eligible) tăng 57% (+68.100 oz), đạt 187.500 oz (~5,8 tấn)
•Kho đã đăng ký (registered) tăng 14% (+22.000 oz), đạt 179.100 oz (~5,6 tấn)
Đây là mức tăng đột biến, cho thấy nguồn cung vật chất được bổ sung mạnh, có thể phản ánh sự chuẩn bị cho nhu cầu giao hàng vật lý cao hoặc để giải tỏa căng thẳng short squeeze đang diễn ra trên thị trường bạch kim.