Phân Tích Kỹ Thuật

Giá bạch kim đang lưỡng lự quanh vùng kháng cự $1430 dù đã có nhiều tín hiệu giảm xuất hiện. Mặc dù có sự phân kỳ giảm giá trên RSI và khả năng đường MACD cắt xuống, báo hiệu đà tăng có thể đang suy yếu, nhưng xu hướng tổng thể vẫn chưa bị phá vỡ.


Giá bạc đang giữ vững xu hướng tăng trên nhiều khung thời gian, với mô hình tích lũy và khả năng bứt phá trên $37 để tiến đến $40. Việc phá vỡ mô hình nêm tăng trên biểu đồ tháng có thể tạo động lực tăng mạnh do short squeeze. Mọi nhịp điều chỉnh ngắn hạn hiện tại được xem là cơ hội mua vào theo xu hướng.

Kinh Tế Vĩ Mô

Hoa Kỳ 

Chỉ số tổng thu nhập hàng tuần khu vực tư nhân – một chỉ báo cho tăng trưởng thu nhập danh nghĩa và tương quan chặt với tăng trưởng GDP – đã tăng 4,54% so với cùng kỳ vào tháng 6/2025, giảm nhẹ so với mức 4,9% của tháng 5 do số giờ làm việc chững lại và tốc độ tăng lương theo giờ suy yếu.

Tốc độ tăng trưởng 12 tháng đã duy trì trong biên độ hẹp từ 4,5% đến 5,3% suốt năm qua – tương đương mức bình thường trước đại dịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong 3 tháng gần nhất đã giảm xuống còn 3% trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi kinh tế phục hồi sau đại dịch, cho thấy đà tăng trưởng thu nhập đang chậm lại rõ rệt.

Điều này cho thấy tiêu dùng người dân Mỹ có thể tiếp tục suy yếu và khiến lạm phát khó có thể tăng mạnh.


Tăng trưởng thu nhập theo giờ trong khu vực tư nhân tiếp tục xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì trên mức trước đại dịch.

Cụ thể, mức tăng trưởng tiền lương hàng giờ trong toàn bộ khu vực tư nhân đạt 3,71% trong tháng 6/2025, trong khi nhóm lao động sản xuất và không giám sát ghi nhận mức tăng 3,89%.




Thị trường lao động hiện vẫn đang trong trạng thái tuyển dụng chậm, sa thải cũng chậm.

Trong tháng 6/2025, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 147.000 việc làm, trong đó khu vực tư nhân đóng góp 74.000 việc làm mới.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%, cho thấy một tín hiệu cải thiện nhẹ của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, số liệu việc làm của tháng 4 và 5 cũng được điều chỉnh tăng thêm tổng cộng 16.000 việc làm, củng cố thêm độ vững của xu hướng tăng trưởng việc làm trong giai đoạn gần đây.



Chỉ số PMI Dịch vụ ISM tháng 6 tăng lên 50.8, vượt kỳ vọng và cho thấy khu vực dịch vụ Mỹ đã trở lại trạng thái mở rộng nhẹ. Đơn hàng mới phục hồi mạnh lên 51.3, phản ánh nhu cầu cải thiện. Tuy nhiên, chỉ số việc làm giảm xuống 47.2, cho thấy doanh nghiệp vẫn dè dặt trong tuyển dụng. Áp lực chi phí đầu vào cũng giảm nhẹ. Tổng thể, dữ liệu phản ánh đà phục hồi yếu nhưng tích cực, với điểm nghẽn nằm ở thị trường lao động.



Trung Quốc 

Diện tích khởi công (màu đỏ) và hoàn thiện xây dựng bất động sản (màu đen) tại Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh.

Diễn biến này phản ánh tình trạng suy yếu nghiêm trọng của thị trường bất động sản Trung Quốc, kéo dài từ sau khủng hoảng nợ của các công ty lớn như Evergrande. Tình hình này đang gây áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế, nhu cầu nguyên vật liệu (như thép, đồng, ...) và niềm tin tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, giá kim loại công nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ nhờ kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.



Thị Trường Hàng Hóa 

Tỷ lệ cho thuê bạch kim kỳ hạn 1 tháng đang có dấu hiệu giảm nhiệt sau đợt tăng đột biến gần đây. Điều này cho thấy đà tăng giá bạch kim đã chững lại và thị trường bước vào giai đoạn đi ngang tích lũy hoặc điều chỉnh giảm.





Phí luyện tinh quặng đồng (TC) tiếp tục lao dốc mạnh và hiện đã rơi xuống dưới 0, cho thấy tình trạng khan hiếm nghiêm trọng nguồn cung tinh quặng. Điều này gây áp lực lớn lên các nhà máy luyện kim, làm giảm biên lợi nhuận và có thể dẫn đến cắt giảm sản lượng trong thời gian tới.