Trong ngày 28/12, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những thay đổi nhẹ. Lượng giao dịch không nhiều, giá gạo vẫn duy trì ổn định, trong khi giá lúa tiếp tục có xu hướng giảm.

Tin tức lúa gạo ngày 28/12/2024

Giá lúa tiếp tục giảm nhẹ

Với mặt hàng lúa, giao dịch diễn ra khá yếu, giá lúa tươi tiếp tục giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 50404 (tươi) giảm 100 đồng, dao động từ 7.300 - 7.400 đồng/kg; Lúa OM 18 (tươi) giảm 200 đồng, giá giao động từ 8.600 - 8.800 đồng/kg; Lúa Đài Thơm 8 (tươi) giảm 300 đồng, dao động ở mức 8.700 - 8.900 đồng/kg; Lúa OM 5451 dao động từ 8.300 - 8.500 đồng/kg; Lúa OM 380 ở mức 7.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 9.200 đồng/kg; Lúa Nhật ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại các tỉnh thành, giao dịch lúa gần như đã ngưng trệ, giá lúa có xu hướng giảm thêm. Tại Sóc Trăng, nông dân chào bán lúa nhưng giao dịch khá trầm lắng và giá lúa giảm. Tại Bạc Liêu, giao dịch cũng gần như dừng lại, thương lái chỉ lấy lúa đã được cọc từ trước, giá lúa giảm nhẹ. Tại Đồng Tháp, lúa Đông Xuân sớm có giao dịch rất chậm, lượng mua thấp. Tại Long An, nhiều diện tích lúa đang chờ thu hoạch, giao dịch tiếp tục yếu và lượng người mua ít.

Giá gạo tại các địa phương

Với mặt hàng gạo, theo thông báo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động trong khoảng 9.000 - 9.150 đồng/kg. Gạo thành phẩm IR 504 giảm 200 đồng, dao động từ 10.800 - 11.000 đồng/kg.

Về các mặt hàng phụ phẩm, giá dao động từ 5.750 - 8.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tấm thơm giảm 100 đồng, dao động trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg; giá cám khô tăng nhẹ 50 đồng, giao động từ 5.750 - 5.850 đồng/kg.

Tại nhiều khu vực, lượng gạo về thị trường không nhiều, giá khá ổn định, tuy nhiên giao dịch vẫn khá chậm. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), lượng gạo về ít, giá giảm nhẹ và một số bạn hàng ngừng xay bán. Tại Lấp Vò - Vàm Cống (Đồng Tháp), kho thu mua chậm, giá gạo ngang giảm nhẹ. Kênh chợ Sa Đéc ghi nhận, gạo thơm được kho chợ mua lai rai, các loại gạo khác có giao dịch chậm hơn, giá mua giữ ổn định. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng gạo về ít, gạo chợ thơm kho được mua lai rai, trong khi bạn hàng chào giá nhích nhẹ đối với gạo đẹp.

Tại các chợ lẻ, giá gạo vẫn giữ nguyên so với ngày hôm qua. Gạo thường dao động trong khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Gạo Nàng Nhen có giá cao nhất, dao động từ 28.000 đồng/kg. Các loại gạo khác có giá như sau: gạo thơm dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, gạo Jasmine ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg, gạo thơm Thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg, gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg, gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg và gạo Nhật có giá 22.500 đồng/kg.

Thị trường gạo xuất khẩu

Trong thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong hôm nay giảm nhẹ so với tuần trước. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo tiêu chuẩn 5% hiện ở mức 481 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 454 USD/tấn; và gạo 100% tấm ở mức 383 USD/tấn.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua, do đồng rupee suy yếu và nhu cầu từ các thị trường lớn vẫn yếu trong mùa lễ. 

Gạo 5% tấm của Ấn Độ hiện có giá dao động từ 439 - 445 USD/tấn, giảm so với mức 440 - 446 USD/tấn của tuần trước. Gạo 5% tấm trắng có giá từ 446 - 453 USD/tấn.

Đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong tuần này, giúp các nhà xuất khẩu gạo có lợi nhuận biên cao hơn.

Ở một diễn biến khác, Bangladesh vẫn tiếp tục nhập khẩu gạo từ Ấn Độ thông qua các cuộc đấu thầu để củng cố dự trữ quốc gia. Các trận lũ lụt nghiêm trọng vào tháng 8 và tháng 10 đã gây thiệt hại lớn cho sản lượng lúa gạo của Bangladesh, buộc nước này phải tăng cường nhập khẩu để đối phó với tình trạng giá thực phẩm leo thang.