Giá lúa gạo hôm nay 11/12 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không ghi nhận nhiều biến động. Lượng giao dịch ít, giá cả biến động nhẹ và tình hình giao dịch diễn ra chậm. Đáng chú ý, giá lúa tươi vẫn duy trì ở mức cao.
Với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 tăng nhẹ 50 đồng, dao động trong khoảng 10.250 - 10.350 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.300 - 12.400 đồng/kg. Đối với các phụ phẩm, giá dao động từ 5.900 - 9.100 đồng/kg, trong đó tấm thơm ở mức 9.000 - 9.100 đồng/kg và cám khô dao động từ 5.900 - 6.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại một số địa phương như Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng gạo về ít nhưng chất lượng khá, giá các loại tại kho mua giảm nhẹ. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), lượng gạo về nhỏ giọt với chất lượng trung bình, giá không biến động nhiều, các kho trả giá thấp. Trên kênh chợ Sa Đéc, lượng gạo về ít, giá gạo thơm tại các kho mua giảm nhẹ so với hôm qua. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng gạo về nhỏ giọt, giá giảm 200 đồng/kg so với hôm qua, chủ yếu là các loại gạo có chất lượng trung bình, ít loại gạo đẹp.
Ở các chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định so với hôm qua. Giá các loại gạo thường dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất ở mức 28.000 đồng/kg. Một số loại gạo khác như gạo thơm dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, Jasmine từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, Nàng Hoa ở mức 21.500 đồng/kg, và Hương Lài ở 22.000 đồng/kg. Các loại gạo khác như trắng thông dụng, thơm Đài Loan, Sóc thường, Sóc Thái và gạo Nhật lần lượt ở mức từ 17.500 - 22.500 đồng/kg.
Về mặt hàng lúa tươi, giá tiếp tục neo cao nhưng tốc độ mua của thương lái chậm lại. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa OM 18 và Đài Thơm 8 (tươi) dao động từ 9.200 - 9.400 đồng/kg, lúa IR 50404 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, OM 5451 từ 8.600 - 8.800 đồng/kg, OM 380 ở mức 7.200 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 9.200 - 9.400 đồng/kg, và lúa Nhật dao động từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Tại Long An, nông dân chào bán nhiều lúa Thu Đông nhưng lượng người mua không đáng kể. Ở Trà Vinh, giá lúa cao nhưng phần lớn là hàng chợ, thương lái mua mới chậm. Tại An Giang, thương lái tập trung lấy các lô lúa đã đặt cọc trước, trong khi nhu cầu mua mới đối với lúa Thu Đông vẫn chậm. Ở Bạc Liêu, giá lúa ổn định nhưng nhu cầu hỏi mua không cao.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam không có biến động so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 100% tấm duy trì ở mức 405 USD/tấn, gạo 5% tấm ở mức 513 USD/tấn, và gạo 25% tấm ở mức 480 USD/tấn.
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội