Năm 2024, vàng tiếp tục chứng tỏ sức hút mạnh mẽ khi lập hàng loạt kỷ lục cả trong và ngoài nước. Dưới tác động của các căng thẳng địa chính trị và dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu, giá vàng được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trong năm 2025.

Năm lập kỷ lục chưa từng thấy của thị trường vàng

Mở đầu năm 2024, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2,060 USD/oz và tăng mạnh suốt cả năm nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trước những bất ổn kéo dài.

Một trong những nguyên nhân chính là sự leo thang của các căng thẳng địa chính trị với hai cuộc xung đột lớn tại châu Âu và Trung Đông, thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng. Đồng thời, lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu cũng khiến các ngân hàng trung ương, đặc biệt ở các thị trường mới nổi và châu Á, tăng dự trữ vàng để bảo vệ nền kinh tế trước các cú sốc.

Báo cáo quý III của Hội đồng Vàng Thế giới ghi nhận tổng nhu cầu vàng đạt 1,313 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao kỷ lục trong quý III. Tổng giá trị giao dịch vàng lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Các ngân hàng trung ương tích cực tích trữ vàng để ứng phó với những bất ổn, bao gồm nguy cơ chiến tranh thương mại từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump và căng thẳng tại Ukraine và Trung Đông.

Giá vàng thế giới liên tục phá vỡ các mốc quan trọng, đạt đỉnh 2,826.2 USD/oz vào ngày 30/10. Đến ngày 20/12, giá vàng duy trì quanh mức 2,602 USD/oz, tăng hơn 26% so với đầu năm.

Theo xu hướng quốc tế, giá vàng trong nước cũng tăng vọt. Mở đầu năm, giá vàng miếng SJC dao động từ 70.5 - 73.5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn 9999 đạt mức 61.8 - 63 triệu đồng/lượng. Đến tháng 4/2024, giá vàng miếng tăng lên 82.6 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn giao dịch ở mức 73.1 - 74.5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế lên tới 12-13 triệu đồng/lượng đã buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp. Ngày 15/04, NHNN công bố đấu thầu vàng miếng để tăng cung thị trường. Sau 6 phiên đấu thầu, tổng cộng 48,500 lượng vàng được bơm vào thị trường, nhưng giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng, đạt kỷ lục 89.9 - 92.2 triệu đồng/lượng vào ngày 10/05.

Trước tình hình đó, NHNN dừng đấu thầu và triển khai phương án bình ổn bằng cách phối hợp với 4 ngân hàng quốc doanh cùng Công ty SJC để cung cấp vàng trực tiếp. Nhờ các biện pháp này, chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế giảm xuống còn dưới 4 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 20/12, giá vàng miếng trong nước giao dịch ở mức 81.6 - 83.6 triệu đồng/lượng, tăng 15% so với đầu năm.

Theo Goldman Sachs, giá vàng thế giới có thể chạm mốc 3,000 USD/oz vào cuối năm 2025. Ngân hàng này xem vàng là một trong những kênh đầu tư hàng hóa hàng đầu cho năm tới, trong bối cảnh các chính sách của Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ tạo ra nhiều biến động.

Các chuyên gia trong nước cũng nhận định, giá vàng quốc tế năm 2025 sẽ tiếp tục tăng, có thể đạt gần 2,900 USD/oz. Yếu tố hỗ trợ bao gồm căng thẳng địa chính trị, Fed giảm lãi suất, và sự suy yếu của đồng USD do lạm phát tại Mỹ.

Trong nước, giá vàng dự kiến sẽ tăng trở lại trước Tết Nguyên đán và tiếp tục diễn biến theo xu hướng thế giới trong năm 2025.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo thị trường vàng có thể bất ổn, đặc biệt khi các chính sách của Tổng thống Trump và diễn biến địa chính trị khó lường có thể tạo ra những cú sốc mới.

>>>>    XEM THÊM:

Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội
Giá vàng thế giới trực tuyến xem giá realtime
Giá vàng kitco trực tuyến

Giá vàng hôm nay trong nước, giá vàng các thương hiệu SJC, PNJ, DOJI, BTMC, Mi Hồng hôm nay