Phiên giao dịch ngày 6/12 ghi nhận giá dầu giảm, trong khi các mặt hàng khác như vàng, cao su, cà phê và đường tăng mạnh. Đồng đạt đỉnh cao nhất trong 3 tuần, ca cao chạm mốc cao nhất trong 5,5 tháng, và ngô đạt mức cao nhất trong 5 tháng.
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm hơn 1% trong bối cảnh lo ngại nguồn cung dư thừa vào năm tới do nhu cầu yếu, mặc dù OPEC+ đã quyết định lùi kế hoạch tăng sản lượng và gia hạn cắt giảm đến cuối năm 2026.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent giảm 97 cent, tương đương 1,4%, xuống còn 71,12 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 1,1 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 67,2 USD/thùng.
Cả tuần, dầu Brent giảm hơn 2,5%, còn dầu WTI giảm 1,2%. Sự gia tăng số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ, dẫn đến tăng sản lượng dầu của quốc gia này, cũng góp phần gây áp lực giảm giá.
Vào ngày 5/12/2024, OPEC+ đã dời thời điểm tăng sản lượng dầu thêm 3 tháng, đến tháng 4/2025, và gia hạn cắt giảm sản lượng thêm một năm, kéo dài đến cuối 2026.
Bob Yawger, Giám đốc Năng lượng của Mizuho tại New York, cho rằng nhu cầu yếu và khả năng OPEC+ tăng sản lượng khi giá phục hồi đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Bank of America dự báo thặng dư dầu tăng có thể khiến giá dầu Brent trung bình giảm xuống 65 USD/thùng vào năm 2025, dù nhu cầu toàn cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi với mức tăng 1 triệu thùng mỗi ngày. HSBC cũng nhận định mức thặng dư thị trường dầu sẽ giảm xuống 0,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức ước tính trước đó là 0,5 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent phần lớn giao dịch trong biên độ hẹp 70-75 USD/thùng trong tháng qua, khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của nhu cầu giảm tại Trung Quốc và rủi ro địa chính trị tại Trung Đông.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ ổn định
Giá khí tự nhiên tại Mỹ gần như không thay đổi, bị ảnh hưởng bởi sản lượng tăng cùng với dự báo thời tiết ấm hơn trong hai tuần tới, bất chấp lượng khí đốt xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 10 tháng.
Hợp đồng khí tự nhiên giao tháng 1/2025 trên sàn New York giảm nhẹ 0,3 cent xuống còn 3,076 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá giảm 9% sau khi tăng mạnh 49% trong 6 tuần trước đó.
Giá vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng nhờ số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục giảm nhiệt, mở ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,2% lên 2.636,31 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn New York tăng 0,4% lên 2.659,6 USD/ounce.
Báo cáo lao động Mỹ cho thấy bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 11/2024 tăng 227.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức tăng 36.000 việc làm trong tháng 10/2024. Đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi thông tin này được công bố.
Giá đồng đạt đỉnh 3 tuần
Giá đồng đạt mức cao nhất trong 3 tuần nhờ tồn kho tại Trung Quốc giảm và lo ngại về nguồn cung sau thỏa thuận về phí xử lý nguyên liệu.
Hợp đồng đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,5% lên 9.122 USD/tấn, trong khi trong phiên có lúc đạt 9.178,5 USD/tấn - cao nhất kể từ ngày 15/11. Tuy nhiên, tính từ cuối tháng 9, giá đồng vẫn giảm 10% so với mức đỉnh 4 tháng là 10.158 USD/tấn.
Giá đồng giao tháng 1/2025 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 74.730 CNY (10.293,25 USD)/tấn, kết thúc tuần với mức tăng 1%.
Giá quặng sắt và thép giảm
Giá quặng sắt tại sàn Đại Liên giảm trong tuần, khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc giảm nhập khẩu và lượng tồn kho tại cảng tăng cao, kết hợp với biên lợi nhuận thép đi xuống.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Đại Liên giảm 0,93% xuống 797,5 CNY (109,9 USD)/tấn, tính cả tuần giảm 0,5%. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 giảm 0,29% xuống 103,7 USD/tấn, giảm 0,9% trong tuần.
Giá các sản phẩm thép trên sàn Thượng Hải biến động trái chiều: thép cây giảm 1,36%, thép cuộn cán nóng giảm 0,97%, thép không gỉ giảm 0,58%, trong khi thép cuộn tăng nhẹ 0,14%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng nhờ thời tiết ẩm ướt tại Thái Lan ảnh hưởng đến nguồn cung, trong khi thị trường đang cân nhắc tác động từ các quy định chống phá rừng của EU.
Hợp đồng cao su giao tháng 5/2025 trên sàn Osaka tăng 5,3 JPY, tương đương 1,42%, lên 378,4 JPY (2,52 USD)/kg, với mức tăng cả tuần đạt 4,24%.
Tại sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su cùng kỳ hạn tăng 275 CNY, tương đương 1,47%, lên 19.030 CNY (2.621,68 USD)/tấn, với mức tăng trong tuần là 3,53%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Singapore cũng tăng 2,4%, đạt 208,4 cent/kg.
Giá ca cao cao nhất trong 5,5 tháng
Giá ca cao tăng lên mức cao nhất 5,5 tháng do tồn kho giảm và lo ngại về nguồn cung.
Hợp đồng ca cao trên sàn London tăng 36 GBP, tương đương 0,5%, lên 7.890 GBP/tấn, sau khi đạt đỉnh 8.075 GBP/tấn vào giữa tháng 6/2024.
Tại sàn New York, giá ca cao ít thay đổi, đứng ở mức 9.853 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 là 10.092 USD/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica trên sàn ICE tăng mạnh 5,3%, đạt 3,3025 USD/lb. Trong ngày 29/11/2024, giá cà phê chạm đỉnh 3,3545 USD/lb – cao nhất kể từ năm 1977.
Giá cà phê robusta trên sàn London cũng tăng 5%, đạt 5.116 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn ICE tăng 2,9%, tương ứng 0,61 cent, lên 21,81 cent/lb.
Đồng thời, đường trắng kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn London tăng 2%, đạt 561 USD/tấn.
Giá ngô cao nhất trong 5 tháng, đậu tương đi ngang, lúa mì giảm
Giá ngô trên sàn Chicago đạt mức cao nhất trong 5 tháng nhờ hoạt động mua vào tăng mạnh và xuất khẩu từ Mỹ cải thiện.
Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 5 cent, đạt 4,4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 28/6/2024, với mức tăng 1,6% trong tuần. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2025 giữ nguyên ở mức 9,93-3/4 USD/bushel, giảm 0,4% trong tuần. Trong khi đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2025 giảm xuống 5,57-1/4 USD/bushel nhưng vẫn tăng 1,7% trong tuần.
Giá dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm nhẹ do lo ngại về nguồn cung được xoa dịu bởi điều kiện thời tiết tại Malaysia cải thiện, dù giá vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn Bursa Malaysia giảm 3 ringgit, tương đương 0,06%, còn 4.253 ringgit (906,79 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ đã tăng tổng cộng 2,29%.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng ngày 7/12:
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội