Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/7, giá dầu thô kỳ hạn không có nhiều biến động khi các nhà đầu tư vẫn đang đánh giá tình hình đàm phán thương mại. Trong khi đó, vàng giảm mạnh và đồng COMEX ghi nhận mức tăng lớn. 

Dầu thô ít biến động chờ đợi các quyết định về thuế quan

Giá dầu ít biến động trong phiên thứ Tư khi các nhà đầu tư đánh giá các diễn biến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận thuế quan với Nhật Bản.

Hợp đồng dầu Brent giao sau giảm nhẹ 8 cent, tương đương 0,12%, xuống còn 68,51 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ giảm 6 cent, tương đương 0,09%, còn 65,25 USD/thùng.

Vào thứ Tư, các quan chức EU cho biết họ đang tiến tới một thỏa thuận thương mại với Washington, trong đó sẽ áp mức thuế 15% lên hàng hóa EU nhập khẩu vào Mỹ, qua đó tránh được mức thuế 30% dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.

Chỉ vài giờ trước đó, Trump tuyên bố Mỹ và Nhật đã đạt được thỏa thuận thương mại, giảm thuế nhập khẩu ô tô và miễn áp thuế mới đối với các mặt hàng khác từ Tokyo, đổi lại là gói đầu tư và cho vay trị giá 550 tỷ USD hướng vào Mỹ.

"Thỏa thuận thương mại với Nhật có thể trở thành mẫu cho các thỏa thuận với những quốc gia khác," ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates nhận định. "Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại về khả năng Mỹ đạt được thỏa thuận với EU và Trung Quốc."

Về phía cung, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 419 triệu thùng – cao hơn kỳ vọng giảm 1,6 triệu thùng theo khảo sát của Reuters.

"Đây là một yếu tố hỗ trợ giá," ông Bob Yawger, Giám đốc giao dịch năng lượng tại Mizuho nhận xét. "Sự sụt giảm này chủ yếu là do biến động trong hoạt động nhập khẩu – xuất khẩu."

Giá vàng giảm

Giá vàng kéo dài đà giảm trong phiên thứ Tư sau khi có thông tin Mỹ và EU tiến gần đến một thỏa thuận thuế 15%, làm suy yếu nhu cầu trú ẩn an toàn, trong khi giá bạc trước đó tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Vàng giao ngay giảm 1,3% xuống còn 3.387,67 USD/ounce, sau khi đạt đỉnh kể từ ngày 16/6 trước đó trong ngày. Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ giảm 1,3% xuống còn 3.397,6 USD.

"Chúng ta đang chứng kiến thỏa thuận với Nhật và có thể sắp tới là với EU. Điều này đồng nghĩa với việc không có thuế trả đũa lớn từ EU, giúp cải thiện khẩu vị rủi ro... Thị trường chứng khoán vì thế cũng đang diễn biến tích cực," ông Bart Melek, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết.

Trong các kim loại quý khác, hợp đồng tương lai bạc giảm 0,1% xuống còn 39,505 USD/ounce, sau khi chạm mức đỉnh gần 14 năm trước đó trong phiên.

"Đợt tăng giá gần đây của bạc được thúc đẩy bởi nhu cầu công nghiệp mạnh, tình trạng thiếu cung kéo dài và sự quan tâm gia tăng từ các nhà đầu tư," ông Alexander Zumpfe, chuyên gia giao dịch kim loại quý tại Heraeus Metals Germany cho biết. "Một cú bứt phá rõ rệt qua mốc 40 USD có thể đến từ việc giá vàng tăng mạnh, đồng USD suy yếu thêm, hoặc tình trạng thiếu cung nghiêm trọng hơn – đặc biệt nếu phí bảo hiểm vật chất tăng trở lại tại các thị trường châu Á chủ chốt."

Ở một diễn biến khác, giá bạch kim kỳ hạn giảm 1,9% xuống còn 1.453,8 USD/ounce.

Đồng tăng giá trước tin tức Mỹ - Nhật đạt thỏa thuận thương mại

Giá đồng chạm mức cao nhất trong hơn hai tuần vào thứ Tư sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ – Nhật được công bố, làm tăng tâm lý tích cực trên thị trường, mặc dù đà tăng bị hạn chế do lo ngại dư cung và tồn kho gia tăng.

Hợp đồng đồng ba tháng trên Sở Giao dịch Kim loại London (LME) gần như đi ngang ở mức 9.918 USD/tấn trong phiên giao dịch chính thức, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 4/7 ở 9.947 USD.

Giá đồng đã tăng khoảng 4% trong tuần qua và tiến gần đỉnh ba tháng là 10.020,5 USD đạt được vào ngày 2/7.

Tâm lý thị trường được cải thiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, giúp các thị trường cổ phiếu toàn cầu khởi sắc.

Tuy nhiên, lo ngại về dư cung vẫn đè nặng lên thị trường, thể hiện qua dữ liệu cho thấy thị trường đồng đang dư thừa 272.000 tấn trong năm tháng đầu năm.

Hợp đồng đồng Comex của Mỹ tăng 1,7% lên 5,82 USD/pound, đưa mức chênh lệch giữa giá đồng Comex và LME lên tới 2.903 USD/tấn.

Lúa mì, ngô, đậu tương cùng giảm giá

Hợp đồng lúa mì trên Sở Giao dịch Chicago (CBOT) giảm trong phiên thứ Tư do hoạt động chốt lời và các báo cáo cho thấy nguồn cung toàn cầu dồi dào, lấn át lo ngại về sản lượng lúa mì thấp hơn từ Nga, theo các nhà phân tích thị trường.

Mức giảm giá của lúa mì phần nào được hạn chế bởi hoạt động giao dịch chênh lệch giữa các thị trường, theo các nhà phân tích. Mike Zuzolo, Chủ tịch Global Commodity Analytics, cho biết các quỹ đầu cơ đang nắm giữ vị thế bán ròng lớn với ngô đã lựa chọn bán ngô để mua lúa mì hoặc hợp đồng bò giống thay thế.

Hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất trên CBOT kết thúc ngày giảm 9 cent, còn 5,40-1/2 USD/giạ. Đậu tương CBOT đóng cửa giảm 2-3/4 cent, xuống còn 10,22-3/4 USD/giạ. Ngô kỳ hạn tháng 9 giảm phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa giảm 1/2 cent ở mức 3,98-1/2 USD/giạ.

Giá ngô đã cố gắng phục hồi vào đầu phiên sau khi giảm mạnh vào thứ Ba, nhưng lại giảm trở lại vào giữa buổi chiều do dự báo có mưa thuận lợi cho cây trồng tại các vùng trồng ngũ cốc của Mỹ cùng với nguồn cung dồi dào, khiến một số nhà giao dịch phải điều chỉnh lại các mô hình dự báo của họ.

Giá đậu tương giảm do thông tin Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng chăn nuôi lợn và tìm kiếm các giải pháp thay thế bột đậu tương trong khẩu phần thức ăn, theo các nhà giao dịch. Trước đó trong ngày, giá đậu tương từng bật tăng nhờ kỳ vọng các thỏa thuận thương mại có thể thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của Mỹ.

Cà phê tăng phiên thứ hai liên tiếp, ca cao tăng vọt trước lo ngại nguồn cung

Hợp đồng cà phê arabica giao tháng 9 trên sàn ICE New York chốt phiên thứ Tư tăng +5.00 cent (+1,69%) lên mức 301,35 cent/pound, trong khi cà phê robusta giao tháng 9 trên ICE London tăng +11 USD (+0,33%) lên mức 3.300 USD/tấn.

Giá cà phê tiếp tục tăng do rủi ro sương giá tại Brazil. Dự báo từ cơ quan khí tượng Climatempo vào thứ Ba cho biết một đợt không khí lạnh sẽ đi qua các vùng trồng cà phê của Brazil trong tuần này, có khả năng gây ra sương giá gây hại cho mùa màng.

Hợp đồng ca cao giao tháng 9 trên ICE NY tăng mạnh +291 USD (+3,57%) lên mức 8.440 USD/tấn, trong khi cacao ICE London tăng +114 GBP (+2,13%).

Giá ca cao tăng mạnh, chạm mức cao nhất trong 1,5 tuần. Các lo ngại rằng tốc độ xuất khẩu cacao của Bờ Biển Ngà chậm lại có thể khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt đã hỗ trợ giá.

Dữ liệu chính phủ công bố hôm thứ Hai cho thấy nông dân Bờ Biển Ngà đã vận chuyển 1,74 triệu tấn ca cao đến các cảng trong niên vụ bắt đầu từ ngày 1/10 đến 20/7, tăng 6,1% so với năm ngoái nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 35% ghi nhận vào tháng 12.

Đà tăng của đồng bảng Anh lên mức cao nhất trong 1,5 tuần vào thứ Tư đã phần nào hạn chế đà tăng giá ca cao tại London. Đồng bảng mạnh hơn khiến ca cao định giá theo đồng bảng trở nên đắt đỏ hơn.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 23/7/2025:

Biến động giá hàng hóa kết phiên 23/7/2025