Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7/2025, giá dầu tăng 1% nhờ dấu hiệu nhu cầu tại Mỹ tăng. Trong khi đó, triển vọng đàm phán thuế quan tích cực khiến vàng bớt hấp dẫn; ngô, đậu tương, lúa mì đồng loạt tăng giá. 

Dầu thô tăng 1%

Giá dầu tăng 1% vào thứ Năm khi lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm và Nga dự kiến cắt giảm xuất khẩu xăng, làm lu mờ thông tin rằng tập đoàn dầu khí Chevron sẽ được chính phủ Mỹ chấp thuận nối lại hoạt động sản xuất tại Venezuela.

Hợp đồng dầu Brent tương lai chốt phiên ở mức 69,18 USD/thùng, tăng 67 cent, tương đương 0,98%. Hợp đồng dầu thô WTI của Mỹ kết thúc ở mức 66,03 USD/thùng, tăng 78 cent, tương đương 1,20%.

Giá dầu từng giảm trong phiên giao dịch đầu giờ chiều sau tin tức rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho phép một số hoạt động khai thác dầu hạn chế tại Venezuela – quốc gia thành viên OPEC đang bị Mỹ trừng phạt.

Trước đó trong phiên, giá WTI đã tăng hơn 1 USD và giá Brent cũng tiến gần đến mức này.

Giá dầu bật tăng trở lại vào cuối phiên sau tin Nga đang lên kế hoạch cắt giảm xuất khẩu xăng sang tất cả các nước, ngoại trừ một số đồng minh và các quốc gia như Mông Cổ – nơi có thỏa thuận cung ứng năng lượng với Nga.

Giá vàng giảm trước triển vọng thương mại tích cực

Giá vàng giảm trong phiên thứ Năm, khi các dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu làm giảm nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn.

Vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống còn 3.367,72 USD/ounce. Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ chốt phiên giảm 0,7%, còn 3.373,5 USD/ounce.

Thị trường đang lạc quan về triển vọng các thỏa thuận thương mại – đầu tiên là giữa Mỹ và Nhật Bản, và nay có thể là giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, theo ông Aakash Doshi từ State Street Investment Management. Ông cũng cho biết thị trường chứng khoán mạnh và mức độ biến động thấp đang gây áp lực lên đà tăng của vàng.

Mỹ và EU đang đạt được tiến triển hướng đến một thỏa thuận thương mại có thể bao gồm mức thuế cơ bản 15% đối với hàng hóa EU, với khả năng miễn trừ cho một số sản phẩm. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Washington công bố một thỏa thuận riêng với Nhật Bản.

Trong khi đó, động thái bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi quyết định đến thăm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào cuối ngày thứ Năm đã khiến triển vọng chính sách tiền tệ thêm phần bất định. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Trump liên tục chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất mạnh tay hơn.

Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 29–30 tháng 7, tuy nhiên thị trường vẫn đang đặt cược rằng sẽ có khả năng giảm lãi suất điều hành từ mức hiện tại 4,25%–4,50% vào tháng 9 tới.

Đồng COMEX chạm mức kỷ lục

Hợp đồng tương lai đồng của Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục trong phiên thứ Năm, mở rộng mức chênh lệch giá so với giá chuẩn toàn cầu trong bối cảnh chỉ còn hơn một tuần nữa là đến thời hạn áp thuế nhập khẩu đồng của Mỹ.

Hợp đồng đồng COMEX kết phiên ghi nhận mức giảm 0,31% xuống còn 5,8015 USD/pound sau khi đạt đỉnh 5,959 USD, trong khi hợp đồng đồng ba tháng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,2% xuống 9.910 USD/tấn trong phiên giao dịch chính thức.

Khoảng cách giá giữa đồng COMEX và LME đã nới rộng từ 29% lên 31% trong ngày thứ Năm.

Lượng tồn kho đồng tại các kho do COMEX sở hữu (HG-STX-COMEX) đã tăng 163% trong vòng 4 tháng qua, tuy nhiên tốc độ nhập hàng vào kho đã chậm lại trong những ngày gần đây.

Ngoài thời hạn ngày 1/8 cho thuế nhập khẩu đồng của Mỹ đang đến gần, thị trường kim loại hiện cũng đang dồn sự chú ý vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn ra tại Thụy Điển vào tuần tới, cùng với đàm phán thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác, và cuộc điều tra của Washington về khả năng áp thuế nhập khẩu đối với một số khoáng sản chiến lược.

Nông sản đồng loạt tăng trước kỳ vọng thỏa thuận thương mại

Hợp đồng ngô tương lai trên sàn Chicago (CBOT) đã tăng nhẹ trong phiên thứ Năm do hoạt động mua bù thiếu (short-covering) và tâm lý tích lũy, khi các nhà giao dịch kỳ vọng Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy các quốc gia nước ngoài tăng mua nông sản Mỹ, theo các nhà phân tích thị trường.

Mặc dù một số chi tiết trong thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa rõ ràng, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết hôm thứ Năm rằng ông sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo thỏa thuận này được thực thi.

Hợp đồng tương lai đậu tương kết thúc phiên tăng trong một ngày biến động nhờ các yếu tố kỹ thuật và kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại, bất chấp số liệu xuất khẩu hàng tuần của Mỹ ở mức thấp trong dự báo và thời tiết mùa màng thuận lợi tại Mỹ tiếp tục gây áp lực lên thị trường ngũ cốc và hạt có dầu.

Hợp đồng tương lai lúa mì hồi phục một phần mức giảm trước đó nhờ dấu hiệu nhu cầu xuất khẩu gia tăng, tuy nhiên kỳ vọng về nguồn cung toàn cầu dồi dào và sự mạnh lên của đồng USD đã kìm hãm đà tăng, theo các nhà phân tích. Lúa mì Mỹ hiện có giá thấp hơn so với lúa mì từ châu Âu hoặc từ nước xuất khẩu hàng đầu là Nga – nơi đang bắt đầu mùa thu hoạch lớn.

Vào thứ Năm, hợp đồng lúa mì CBOT hoạt động mạnh nhất chốt phiên tăng 1 cent lên 5,41-1/2 USD/giạ. Ngô CBOT tăng 3-1/4 cent lên 4,01 USD/giạ, trong khi đậu tương tăng 1-1/2 cent lên 10,24-1/4 USD/giạ.

Cà phê và đường tăng giá, cacao giảm mạnh

Hợp đồng cà phê arabica giao tháng 9 trên sàn ICE New York kết thúc phiên thứ Năm tăng +3,50 cent (+1,16%) lên mức 304,85 cent/pound, trong khi cà phê robusta giao tháng 9 trên sàn ICE London tăng +49 USD (+1,48%) lên mức 3.349 USD/tấn. 

Giá cà phê tăng mạnh do rủi ro thời tiết tại Brazil. Theo hãng khí tượng Climatempo, một đợt không khí lạnh đang tiến vào các vùng trồng cà phê của Brazil trong tuần này, làm tăng khả năng xuất hiện sương giá có thể gây hại cho cây cà phê của nước này.

Hợp đồng đường thô giao tháng 10 trên sàn NY tăng +0,33 cent (+2,03%) lên mức 16,57 cent/pound, còn đường trắng giao tháng 10 trên sàn ICE London tăng +8,80 USD (+1,87%) lên mức 480,2 USD/tấn. 

Giá đường tăng vọt do dự đoán rằng đợt giảm giá gần đây xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm đã thúc đẩy nhu cầu mua vào. Nhập khẩu đường tháng 6 của Trung Quốc đã tăng vọt 1.435%, đạt 420.000 tấn. 

Tổng thống Trump hôm thứ Tư tuần trước cho biết Coca-Cola đã đồng ý sử dụng đường mía trong các sản phẩm Coke bán tại Mỹ thay vì siro bắp có hàm lượng fructose cao. Theo Bloomberg Intelligence, điều này có thể thúc đẩy tiêu thụ đường tại Mỹ tăng thêm 4,4% lên 11,5 triệu tấn từ mức hiện tại là 11 triệu tấn.

Trong khi đó, hợp đồng cacao ICE NY giao tháng 9 (CCU25) kết phiên thứ Năm giảm mạnh -316 điểm (-3,74%) xuống còn 8.124 USD/tấn, và hợp đồng cacao ICE London giao tháng 9 (CAU25) giảm -122 điểm (-2,23%) xuống còn 5.343 bảng/tấn.

Giá ca cao đã từ bỏ đà tăng đầu phiên và chốt phiên giảm sâu do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sô cô la. Hôm thứ Ba, hãng sản xuất sô cô la Lindt & Spruengli AG đã hạ dự báo biên lợi nhuận cho cả năm sau khi doanh số bán sô cô la trong nửa đầu năm giảm mạnh hơn dự kiến.

Cao su Nhật Bản tăng giá

Giá cao su tương lai của Nhật Bản đã hồi phục sau các mức giảm đầu phiên, được hỗ trợ bởi lo ngại thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến các đồn điền cao su tại Đông Nam Á và nhu cầu đang tăng tại Trung Quốc.

Hợp đồng cao su giao tháng 12 trên Sở Giao dịch Osaka (OSE) chốt phiên ban ngày tăng 1,2 yên, tương đương 0,36%, lên 330,7 yên (2,26 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 230 nhân dân tệ, tương đương 1,53%, lên 15.245 nhân dân tệ (2.131,63 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su butadien giao tháng 8 – hoạt động mạnh nhất trên SHFE – tăng 285 nhân dân tệ, tương đương 2,38%, lên 12.285 nhân dân tệ (1.717,75 USD)/tấn.

Thời tiết bất lợi và điều kiện trồng trọt tại các đồn điền cao su Đông Nam Á có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn, ngay cả khi triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc đang được cải thiện, theo trang thông tin bán hàng cao su của Trung Quốc – Natural Rubber Network.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 24/7/2025:

Biến động giá hàng hóa kết phiên 24/7/2025